Theo một số tài liệu khoa học, chậm nói, không tập trung có mối tương quan với rối loạn Tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em. Tuy nhiên, điều đó có đồng nghĩa với việc trẻ chậm nói không tập trung là trẻ bị ADHD không?
Không tập trung là một trong tiêu chuẩn được sử dụng để chẩn đoán chứng Tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Vì thế, trong bài viết hôm nay, tôi sẽ không đề cập quá nhiều tới biểu hiện này. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung phân tích mối tương quan giữa chứng ADHD và chậm nói (vốn rất hiếm khi được nhắc đến cùng ADHD). Qua đây chúng ta sẽ có câu trả lời cho câu hỏi “trẻ chậm nói không tập trung có phải là trẻ bị ADHD không?”.
Khoa học chứng minh: Nhiều trẻ em bị ADHD có biểu hiện chậm nói
Hầu hết các chuyên gia Tâm lý học đều sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 làm căn cứ để kết luận một đứa trẻ có mắc chứng Tăng động giảm chú ý hay không. Trong đó, DSM-5 là một hệ thống kiến thức được sử dụng như một hướng dẫn quan trọng để chẩn đoán các rối loạn tâm thần trên toàn thế giới.
Theo DSM-5, ADHD gồm 3 dạng: giảm chú ý; tăng động/ bốc đồng và phối hợp của hai loại trên. Tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD gồm 9 triệu chứng của mỗi loại.

Mất tập trung là biểu hiện của chứng ADHD
Trong đó, giảm chú ý là 1 trong 9 triệu chứng của chứng ADHD dạng giảm chú ý. Tuy nhiên, chậm nói không hề được đề cập đến trong triệu chứng ADHD ở trẻ em.
Dẫu vậy, khi nghiên cứu về chứng Tăng động giảm chú ý, các nhà khoa học cũng đã thực hiện các đánh giá về sự phát triển của trẻ bị ADHD bao gồm việc kiểm tra các cột mốc phát triển, đặc biệt là các mốc ngôn ngữ. Họ nhận ra rằng, nhiều trẻ em bị ADHD cũng bị chậm nói, chậm vận động thô và chậm vận động tinh.
Theo nghiên cứu của A Ornoy và cộng sự năm 1993, tăng động, kém chú ý và chậm nói có thể là dấu hiệu lâm sàng sớm của ADHD. Các tác giả cho biết, 80% trẻ em có các đặc điểm lâm sàng này đã phát triển thành ADHD trong thời kỳ đầu đi học.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù không được đề cập đến như một tiêu chuẩn để chẩn đoán chứng ADHD. Nhưng chậm nói ở trẻ em vẫn là một trong những biểu hiện khá phổ biến của rối loạn tâm lý này.
Mối liên hệ giữa ADHD với chậm nói là gì?
Bạn có thể nhận thấy mối liên hệ giữa ADHD và chậm nói khi nhìn vào cấu trúc của não bộ. Theo các nhà khoa học, những người mắc chứng Tăng động giảm chú ý có thùy trán nhỏ hơn và lưu lượng máu đến thùy trán cũng ít hơn.

Trẻ bị ADHD có thùy trán (nơi sản xuất ngôn ngữ) nhỏ hơn nên có thể bị chậm nói
Thùy trán là thùy lớn nhất trong bốn thùy chính của vỏ đại não. Đây là nơi khởi nguồn của cảm xúc và liên quan đến các chức năng điều hành như lập kế hoạch, tổ chức, hành vi xã hội, trí nhớ ngắn hạn, động lực, kiểm soát xung động, chú ý,… Đồng thời, thùy trán cũng chính là nơi sản xuất ngôn ngữ.
Như vậy, thùy trán nhỏ hơn với lượng máu đến ít hơn có thể khiến trẻ ADHD bị chậm nói.
Trẻ chậm nói không tập trung có phải là trẻ bị Tăng động giảm chú ý?

Trẻ chậm nói thiếu tập trung không hẳn là trẻ bị ADHD
Mặc dù chậm nói và không tập trung đều là dấu hiệu thường thấy ở trẻ ADHD. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trẻ chậm nói kém tập trung là trẻ mắc chứng Tăng động giảm chú ý. Có một sự khác biệt đáng kể giữa những trẻ mắc ADHD bị chậm phát triển ngôn ngữ và trẻ chậm nói không tập trung.
Cha mẹ cũng cần hiểu rằng khả năng tập trung thường tương ứng với mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ. Rõ ràng, khi không tập trung, trẻ khó có thể tiếp thu kiến thức mới để có thể tăng khả năng giao tiếp, mở rộng vốn từ vựng.
Ngoài ra, trẻ bị chậm nói có thể cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và thể hiện nhu cầu. Do đó, trẻ có thể bắt đầu quậy phá, nổi cơn thịnh nộ và trở nên nóng nảy giống như các trẻ ADHD có thể thể hiện.
Do đó, khi thấy trẻ chậm nói không tập trung, cha mẹ không nên đưa ra kết luận vội vàng mà cần đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý/ bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán chính xác.